Pianist người Trung Quốc lôi cuốn trên sân khấu nhờ kỹ thuật điêu luyện, phong thái trình diễn tự nhiên, thoải mái.
Tối 31/8, đêm diễn của nghệ sĩ piano Lang Lang diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là lần thứ hai Lang Lang gặp gỡ khán giả Việt Nam, sau 14 năm. Hơn 500 chỗ ngồi ở Nhà hát Lớn gần như kín. Chương trình chủ yếu phát vé mời. Sát giờ diễn, nhiều người hâm mộ tiếc nuối vì không mua được vé.
Xuất hiện trên sân khấu, Lang Lang giữ phong thái thoải mái, tự nhiên với ánh mắt lơ đãng, dáng ngồi khoan thai. Do tay trái bị chấn thương hai năm trước, anh chủ yếu thể hiện kỹ thuật khó bằng tay phải. Sau mỗi tiết mục, khán giả vỗ tay không ngớt. Tuy nhiên, kỹ thuật không phải là điểm nhấn trong màn trình diễn của Lang Lang.
Nghệ sĩ chia sẻ, trước kia anh luôn muốn chinh phục những bản nhạc khó. Giờ đây, điều anh muốn nhất là khơi gợi cảm xúc của khán giả. “Lang Lang của năm 2018 từng trải, trưởng thành, chín chắn hơn 14 năm trước”, pianist nói.
Trong đêm diễn, nghệ sĩ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, từ tình tứ, lãng mạn đến bi tráng qua các nhạc phẩm cổ điển phương Tây như Nocturne No. 20, Grand Valse Brillante (Chopin), The Lark (Balakirev), Military March (Schubert)… Ngoài ra, anh đan xen một số bản nhạc Trung Quốc như Coloured Clouds Chasing The Moon (Ren Guang) và Autumn Moon Over The Calm Lake (Lu Wecheng).
Với Nocturne No. 20 – dạ khúc nổi tiếng nhất của Chopin, anh giữ, nhả các phím đàn một cách chuẩn xác, xen chút ngẫu hứng. Tiếng đàn của anh gợi ra không gian mênh mông của đêm tối. Cả khán phòng nín lặng. Một số người yêu piano khẽ đặt tay lên ngực. Khi Lang Lang kết thúc màn biểu diễn, vài giây sau, khán giả mới bừng tỉnh và vỗ tay không ngớt.
Là người yêu thích âm nhạc của Chopin, ngồi trên khán đài, nhạc sĩ Dương Thụ xúc động bày tỏ: “Đó là tiếng đàn của người từng trải, rất tình cảm và sâu sắc, có đôi chút thâm trầm. Ngày trước, tôi chỉ công nhận ở Lang Lang sự tài hoa nhưng không nhận thấy độ sâu. Nhạc sĩ Chopin là người lưu vong, cuộc sống có vô số biến động và ẩn chứa nhiều nỗi buồn. Tôi nghĩ Lang Lang tìm được sự đồng cảm ở Chopin. Anh sinh ra ở Trung Quốc và sớm sang Mỹ lập nghiệp. Vì thế, Lang Lang thể hiện trọn vẹn chiều sâu của tác phẩm”.
Màn trình diễn hai nhạc phẩm Trung Quốc – Coloured Clouds Chasing The Moon (Ren Guang) và Autumn Moon Over The Calm Lake (Lu Wecheng) không có cao trào dữ dội mà mềm mại, uyển chuyển theo lối Á Đông. Trăng vốn là nguồn cảm hứng bất tận trong âm nhạc cổ điển. Lối chơi mềm mại của Lang Lang khiến người nghe mường tượng hình ảnh ánh trăng hiền hòa. Dù sang Mỹ sống nhiều năm, Lang Lang vẫn nặng lòng với quê hương. Trong buổi giao lưu với báo giới Hà Nội trước đó, anh trả lời bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung.
Trong concert, học trò của Lang Lang – Peter Chun Shing Leung – trình diễn solo bốn bản hòa tấu, đồng thời biểu diễn piano bốn tay cùng thầy trong tiết mục Military March của Schubert. Hai thầy trò tạo nên âm hưởng hùng tráng của một khúc quân hành. Họ thấu hiểu từng cử chỉ, ánh mắt của nhau, tạo nên sự kết hợp ăn ý. Peter là một trong những tài năng trẻ được quỹ âm nhạc toàn cầu Lang Lang đỡ đầu. Ở tuổi 12, âm nhạc của Peter mang đến cảm xúc hồn nhiên, mới mẻ. Nhạc sĩ Dương Thụ nhận xét Peter phô diễn được nhiều kỹ thuật, tuy nhiên, cậu bé cần thêm thời gian để rèn giũa và đạt độ chín về cảm xúc.
Đêm nhạc kết thúc lúc 21h với những giai điệu của bản Traumerei của Schumann. Khán giả trong khán phòng đứng dậy, vỗ tay cảm ơn và chào tạm biệt Lang Lang. Nhạc sĩ Huy Tuấn – từng thưởng thức buổi biểu diễn đầu tiên của Lang Lang tại Việt Nam 14 năm trước – bày tỏ hạnh phúc khi tái ngộ “thần đồng piano” Trung Quốc. Anh nhận xét phong độ, kỹ thuật của Lang Lang vẫn ở đỉnh cao. Tuy nhiên, trong buổi biểu diễn này, Lang Lang chọn các tác phẩm quen thuộc, gần gũi hơn với khán giả, khiến công chúng dễ tiếp thu. Huy Tuấn đánh giá hai bản nhạc Trung Quốc của Lang Lang “dễ thương”.
Ngoài giới chuyên môn, khán giả xem buổi biểu diễn của Lang Lang là nhiều thiếu niên có niềm đam mê với piano và âm nhạc cổ điển. Sau buổi biểu diễn, họ tụ tập ngay trước cửa phòng hòa nhạc, trao đổi về những điều tâm đắc trong đêm nhạc. Ngân Hà – học sinh lớp chín trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) – được làm quen với piano từ năm lớp ba. Cô biết đến Lang Lang qua những video trên Youtube. Ngân Hà thần tượng pianist người Trung Quốc bởi cách anh mang hơi thở hiện đại vào trong mỗi tiết mục piano cổ điển.
Mai Nhi – sinh viên năm hai Nhạc viện Hà Nội – hạnh phúc vì lần đầu được thưởng thức thần tượng biểu diễn trực tiếp. Cô bày tỏ: “Kỹ thuật của Lang Lang ngày càng thuần thục. Tôi thích Lang Lang vì dù chơi nhạc cổ điển, anh vẫn thổi vào trong màn biểu diễn dấu ấn cá nhân. Tôi hơi tiếc vì đêm nhạc chỉ gói gọn trong hơn một tiếng”, Mai Nhi chia sẻ.